Kỳ III: Tiểu tiện không tự chủ
Rối loạn cơ tròn dẫn đến tiểu tiện không tự chủ do mất sự điều khiển đối với bàng quang. Đây là tình trạng bệnh lý ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người cao tuổi. Tiểu tiện không tự chủ có thể là biểu hiện nhất thời hoặc kinh diễn, do nhiều nguyên nhân gây ra.
Nguyên nhân gây bệnh
Tiểu tiện tự chủ liên quan đến trạng thái tâm thần, hoạt động của thần kinh vận động, tình trạng đường tiểu tiện, sinh lý bàng quang. Có các nguyên nhân gây tiểu tiện không tự chủ nhất thời và trường diễn như sau:
Nguyên nhân gây tiểu tiện không tự chủ nhất thời
Mê sảng là nguyên nhân hay gặp nhất của tiểu tiện không tự chủ ở bệnh nhân nằm viện. Khi hết mê sảng, bệnh nhân lại tiểu tiện bình thường. Trạng thái mê sảng làm cho bệnh nhân không nhận thức được nhu cầu tiểu tiện, không xác định được có phải là nơi tiểu tiện hay không. Trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu thì tiểu tiện không tự chủ biểu hiện là một triệu chứng. Đối với bệnh nhân viêm niệu đạo, viêm âm đạo teo, hay kết hợp giữa viêm teo âm đạo và viêm teo niệu đạo, tại tổn thương niêm mạc bị mòn, co giãn mao mạch, chấm xuất huyết, xung huyết, vết xước, ban đỏ. Viêm niệu đạo thường lan đến bàng quang gây tiểu tiện không tự chủ ở phụ nữ. Đái nhiều do các nguyên nhân như: dùng thuốc lợi tiểu, uống quá nhiều nước bởi quan niệm uống nhiều nước là tốt; rối loạn chuyển hóa (tăng đường huyết), tăng canxi huyết, đái tháo nhạt); suy tim, suy tĩnh mạch; hạ protid máu do suy dinh dưỡng, xơ gan... có thể vượt khả năng kìm chế đối với người già, không kịp đến nơi tiểu tiện.
Hạn chế vận động, không đi lại được cũng gây tiểu tiện không tự chủ. Những trường hợp này cần phải dùng ghế có khoét lỗ để bô ở dưới để thuận tiện cho bệnh nhân. Bí đại tiện là một nguyên nhân phổ biến của tiểu tiện không tự chủ, nhất là đối với bệnh nhân nằm viện hoặc phải bất động. Một số thuốc, hội chứng trầm cảm và rối loạn tâm thần cũng có thể gây tiểu tiện không tự chủ.
Nguyên nhân gây tiểu tiện không tự chủ kinh diễn
Bao gồm: hoạt động quá mức của cơ bức niệu làm cho sự co bóp của bàng quang không thể ức chế được, dẫn đến tiểu tiện không tự chủ, nước tiểu thoát ra ngoài. Đây là nguyên nhân chiếm trên 60% trường hợp tiểu tiện không tự chủ. Hoạt động quá mức của cơ bức niệu có thể do có sỏi bàng quang, khối u nên gây rối loạn ở tầng sinh môn, đái ra máu kèm theo tiểu tiện không tự chủ. Tiểu tiện không tự chủ do stress là nguyên nhân thứ hai hay gặp ở phụ nữ già nhiều hơn ở nam giới. Bệnh nhân thường thấy nước tiểu thoát ra ngay khi có stress. Tắc niệu đạo là nguyên nhân gây tiểu tiện không tự chủ kinh diễn hay gặp ở nam giới. Niệu đạo bị tắc do phì đại tuyến tiền liệt, u tuyến tiền liệt, co thắt niệu đạo, co thắt cổ bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt. Biểu hiện là chảy nước tiểu nhỏ giọt không tự chủ sau khi đi tiểu tiện.
Một nguyên nhân gây tiểu tiện không tự chủ nữa là hoạt động kém của cơ bức niệu do rối loạn thần kinh vận động vùng thấp hoặc vô căn.
Điều trị
Đối với các nguyên nhân của tiểu tiện không tự chủ nhất thời, cần điều trị ngay và điều trị tận gốc. Những bệnh nhân bí đái do thuốc (chống trầm cảm, an thần) nếu bệnh lui dần, có thể ngưng dùng thuốc; dùng biện pháp tâm lý liệu pháp, điều trị các bệnh hay làm tăng kích động cho bệnh nhân như viêm khớp, viêm bao khớp...; bệnh nhân còn phải dùng thuốc thì thay bằng các thuốc không gây tiểu tiện không tự chủ.
Đối với nguyên nhân gây tiểu tiện không tự chủ kinh diễn, cần điều trị sửa chữa tập tính, thói quen. Hướng dẫn bệnh nhân đi tiểu mỗi giờ hoặc 2 giờ một lần khi thức. Khi bệnh nhân đã có khả năng tự chủ được tiểu tiện, nên nâng dần khoảng cách mỗi lần 30 phút, theo một trình tự phù hợp cho đến khi khoảng cách hai lần đi tiểu đạt từ 4-5 giờ. Hầu hết bệnh nhân nếu tập luyện thành công, có thể dần dần tự chủ được tiểu tiện ban ngày và cuối cùng cũng tự chủ được cả ban đêm.
Đối với bệnh nhân khó hợp tác thì người chăm sóc cần hỏi khi nào họ cần đi tiểu, từ đó nắm được nhu cầu và chủ động yêu cầu bệnh nhân đi tiểu trước khi xảy ra tiểu tiện không tự chủ. Khi bệnh nhân phải dùng thuốc thì cần tránh dùng các thuốc có tác dụng làm cho bệnh nhân bị đái nhiều. Bệnh nhân tiểu tiện không tự chủ do stress, cách điều trị có hiệu quả nhất là dùng phẫu thuật. Biện pháp phẫu thuật còn dùng để giải phóng chỗ bị tắc nghẽn niệu đạo có hiệu quả nhất, đặc biệt là khi có bí đái. Đối với bệnh nhân mà bàng quang co bóp quá yếu có thể áp dụng các biện pháp làm tăng số lần đi tiểu hoặc ấn bóp vùng trên xương mu. Khi cần nên tháo rỗng bàng quang, nhất là đối với bệnh nhân mất khả năng co bóp bàng quang thì phải thông đái ngắt quãng hay để xông tại chỗ. Kháng sinh phải dùng khi có nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên hoặc khi cần đề phòng nhiễm khuẩn tại chỗ ở những bệnh nhân phải thông đái nhiều lần.
ThS. Minh Phát
0 nhận xét:
Đăng nhận xét