ĐHQG TP HCM có chương trình ký kết hợp tác đào tạo dưới dạng du học chuyển tiếp đại học đầu tiên với ĐH Houston Clear Lake của Mỹ vào năm 2001, sau đó là với ĐH Houston Victoria năm 2002. Ngành học chủ yếu ĐHQG TP HCM liên kết với hai trường này là kinh tế (quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính, tiếp thị) và tin học (khoa học máy tính, hệ thống thông tin máy tính, kỹ thuật hệ thống máy tính).
Hai năm đầu tiên, sinh viên sẽ học ở Việt Nam, tại Trung tâm đào tạo quốc tế của ĐHQG TP HCM với chất lượng, công nghệ đào tạo hoàn toàn theo chương trình và tiêu chuẩn của ĐH Houston Clear Lake và Houston Victoria. Hai năm sau, sinh viên sẽ chuyển qua học tại chính hai trường đại học này để hoàn tất chương trình và lấy bằng cử nhân kinh tế hoặc IT. Ngoài bậc đại học, chương trình còn đào tạo bậc cao học.
Tương tự, Trung tâm đào tạo tin học của công ty FPT cũng có chương trình liên kết đào tạo với Viện Aptech Ấn Độ. Học tại FPT lấy bằng diploma các ngành về công nghệ thông tin trong 1,5-2 năm. Sau đó, học viên nếu muốn học tiếp lên lấy bằng cử nhân thì FPT có chương trình du học chuyển tiếp sang Ấn Độ hoặc Australia học thêm 2 năm nữa.
Trường cán bộ quản lý doanh nghiệp cũng đang có chương trình du học chuyển tiếp diploma đào tạo chuyên viên thị trường chứng khoán và bất động sản, liên kết với Box Hill Institute TAFE Australia và Stock Market Investors' Group của Australia. Học tại Việt Nam trong ba tháng và tại Australia trong chín tháng. Điều khác biệt ở chương trình đạo tạo này so với hệ chuyển tiếp khác là học viên học tại đây sẽ được lo việc làm tại một trong những công ty của Hiệp hội doanh nghiệp Australia khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau khi tốt nghiệp.
Một hình thức khác là Trường cao đẳng y tế của Canada - một trong những trường đào tạo y tá hàng đầu của đất nước này - đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm đào tạo ngắn hạn ở Hà Nội để thực hiện chương trình đào tạo y tá chuyển tiếp. Học viên theo học ngành y tá tại trường sẽ học 6 tháng lý thuyết tại Việt Nam và 9 tháng thực tập tại Canada.
Còn Đại học Bách khoa TP HCM dự kiến sang năm sẽ mở thêm hệ cao học ngành quản lý hệ thống thông tin cho chương trình chuyển tiếp đại học hợp tác với ĐH Akasor (Mỹ). Ngoài trường Akasor, Trường còn hợp tác đào tạo dạng này với một trường khác của Mỹ, 4 trường của Australia, Thái Lan. Tỷ lệ học sinh theo học các chương trình này của trường khoảng 100 sinh viên/năm.
Lợi thế lớn nhất của các chương trình du học chuyển tiếp này là giảm một số đáng kể chi phí học tập cho sinh viên Việt Nam muốn đi du học để lấy bằng quốc tế. Giáo sư Trương Quang Được, phó giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế của ĐHQG TP HCM, cho biết: "Với các chương trình du học chuyển tiếp đại học này, sẽ giảm được ít nhất là 2/3 chi phí học tập so với việc du học thẳng từ đầu tại Mỹ". Cụ thể, theo bảng giá học phí của ĐHQG TP HCM cho chương trình chuyển tiếp với Đại học Houston Clear Lake là 3.000 USD cho hai năm học tại Việt Nam và 20.000 USD cho hai năm học tại Mỹ. Ngoài ra, với hai năm học tại Việt Nam, sinh viên sẽ gần như không tốn mức sinh hoạt phí, ước tính gần bằng 20.000 USD nữa nếu học từ đầu tại Mỹ.
Lợi thế thứ hai là giá trị bằng cấp. Sinh viên theo học chương trình chuyển tiếp này sẽ nhận được bằng do trường nước ngoài cấp, như học chương trình ĐHQG TP HCM thì do trường Houston Clear Lake và Houston Victoria cấp, có giá trị tương đương như những sinh viên quốc tế khác du học thẳng từ đầu qua trường. Với bằng cấp này, sinh viên sẽ dễ dàng tìm được việc làm với mức lương cao sau khi tốt nghiệp.
Đặc biệt, theo giám đốc ĐHQG TP HCM Nguyễn Tấn Phát, thì trường có kế hoạch tiếp nhận các sinh viên có học lực xuất sắc theo học chương trình này từ Mỹ trở về vào làm cán bộ trong hệ thống quản lý của thành phố.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét