Đau đầu là một chứng bệnh thường gặp nhất của nhân loại, là cái đau hay gặp nhất trong các loại đau của cơ thể con người. Cuộc đời mỗi người đều có thể gặp ít nhất một vài lần đau đầu. Có loại đau đầu lành tính, tuy nhiên có loại đau đầu rất nguy hiểm, có thể cướp đi tính mạng của người bệnh một cách nhanh chóng. Chúng tôi muốn đề cập tới một loại đau đầu xuất hiện đột ngột, dữ dội, đau như vỡ nứt đầu mà y học vẫn mô tả là chứng đau đầu kiểu sét đánh.
Dấu hiệu bệnh dễ nhầm lẫn
Người bệnh thường có đau đầu là chính, tùy từng người mà có ngưỡng và khả năng chịu đựng đau khác nhau, kèm theo buồn nôn hoặc nôn, cứng gáy. Khám có hội chứng màng não, có thể gặp tổn thương các dây thần kinh sọ não (hay gặp liệt dây III), liệt nửa người, rối loạn cơ vòng, một số có rối loạn ý thức hoặc hôn mê, thậm chí tử vong ngay trong ngày đầu. Bệnh dễ bị nhầm với các chứng đau đầu thông thường, đau nửa đầu migraine, đau đầu do căng thẳng, do chảy máu não, hội chứng tiền đình, viêm màng não, đau đầu do sốt nhiễm khuẩn, đau gáy cổ...
Chứng đau đầu dữ dội cần được đặc biệt quan tâm. |
Nguy cơ tử vong cao
Đây là một mặt bệnh hết sức nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong cao từ 40 - 50%, số tử vong trước khi tới bệnh viện khoảng 10 - 15%. Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất là bệnh hay tái phát, khoảng 40 - 50% trong vòng 4 tuần đầu và tỷ lệ tử vong do chảy máu tái phát khoảng 50% hoặc để lại di chứng nặng nề. Mặt khác, người bệnh hay chủ quan vì đôi khi chỉ có đau đầu, các bác sĩ không chuyên khoa hay nhầm với mặt bệnh khác nên người bệnh được chẩn đoán đúng nhiều khi đã là chảy máu tái phát, lúc đó bệnh thường rất nặng và phức tạp. Nguyên nhân xuất huyết dưới màng nhện thường là do vỡ phình động mạch não (85%).
Bệnh thường gặp ở người tuổi trên 30, hay gặp từ 40 - 60 tuổi, nữ mắc nhiều hơn nam 1,6 lần. Túi phình mạch máu não có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải. Ở những nước phát triển, người ta chụp mạch máu não kiểm tra định kỳ, phát hiện được phình mạch chưa vỡ, việc điều trị làm mất túi phình được tiến hành rất thuận lợi, tránh nguy cơ bị vỡ. Ở Việt Nam, việc phát hiện ra phình mạch đa phần đã bị vỡ, nhiều trường hợp đã chảy máu tái phát nhiều lần, việc điều trị sẽ phức tạp và khó khăn hơn rất nhiều.
Có thể dự phòng được bệnh
Bệnh có thể được dự phòng và điều trị khỏi hoàn toàn. Điều trị túi phình mạch trước đây chủ yếu là mổ kẹp túi phình, phương pháp này gây nhiều khó khăn cho chăm sóc sau mổ, đôi khi tổn thương cả vùng nhu mô não lành. Ngày nay, với sự phát triển mạnh của kỹ thuật cao là can thiệp mạch, việc điều trị túi phình được tiến hành chủ yếu bằng nút coils phình mạch. Kỹ thuật này được tiến hành bằng cách đưa một ống thông từ động mạch đùi lên não, qua đường dẫn này, người ta cho các vòng lò xo kim loại (gọi là coils) vào để bịt kín túi phình. Đây là phương pháp có nhiều ưu điểm, giúp người bệnh phục hồi rất nhanh, ít có biến chứng, không làm tổn thương đến các vùng mô não lành. Tuy nhiên, đây chỉ là kỹ thuật làm mất túi phình mạch máu não để ngăn chặn chảy máu tái phát, người bệnh cần phải tiếp tục điều trị tích cực hậu quả do xuất huyết dưới nhện gây ra.
BSCKI. Nguyễn Văn Tuấn (Khoa Đột quỵ não - BV Quân y 103)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét